Header Ads

Untitled-1
  • Tin Mới

    Vốn 300 triệu, nên làm gì để giàu?

    Một thực tế hiện nay mà hầu hết bà con nông dân đang gặp phải đó là có một số vốn, có đất đai nhưng băn khoăn không biết nên làm gì với số vốn đấy. Mô hình nào là hiệu quả, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình. Với số vốn trung bình hộ nông dân có thể huy động được là 300 triệu đồng và mảnh đất khoảng 5ha, hộ nông dân nên đầu tư vào mô hình nào, câu trả lời sẽ có dưới đây.
    Tham khảo ý kiến của chuyên gia…
    PGS.TS Phạm Ngọc Thạch - giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam: “với số vốn 300 triệu và với diện tích đất như vậy thì chủ yếu nên chăn nuôi gà”.
    TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Trung tâm khuyến nông Quốc gia: “có thể chăn nuôi gà địa phương hoặc gà ta lai, ví dụ như gà ri lai, thích hợp với thị hiếu của người tiêu dùng địa phương. Nếu ban đầu chưa có kinh nghiệm, bà con có thể nuôi gà thịt, đến khi tích lũy đủ kinh nghiệm chúng ta có thể nuôi gà sinh sản”.
    TS.Trịnh Quang Tuyên – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương: “với số vốn 300 triệu trước mắt hộ nông dân nên nuôi gà thịt trước”.
    Ý kiến của một số hộ nông dân đi trước…
    Anh Nguyễn Đăng Cường, xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh cho rằng với điều kiện như vậy nên lựa chọn phương pháp là làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bởi vì chi phí nhà lưới không tốn quá nhiều mà hiệu quả đem lại cao hơn. Cây trồng chịu ít rủi ro từ yếu tố bên ngoài,  hơn nữa thị trường cũng thu hút hơn.
    Anh Nguyễn Quốc Khánh, thị trấn Hòa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc: “vào thời điểm chăn nuôi đang biến động như hiện nay, với số vốn 300 triệu để đưa vào chăn nuôi, theo mình nên tập trung nuôi gà. Tuy nhiên không nên nuôi gà thịt bởi vì thời điểm gần Tết, giá gà đang xuống do các hộ nông dân tập trung nuôi nhiều. Với số vốn đấy, có thể xây trang trại và nuôi khoảng tầm 1.000 gà đẻ là phù hợp”.
    Tổng hợp lại các ý kiến, lời khuyên chăn nuôi gà nhiều hơn là nuôi lợn và tập trung làm nông nghiệp công nghệ cao. Vậy đâu là cơ sở để đưa ra nhận định trên.
    Sau đây chúng ta sẽ đi phân tích cụ thể từng mô hình:
    1. Trước hết là chăn nuôi lợn:
    Theo TS. Vũ Ngọc Sơn – Viện chăn nuôi Quốc gia : Căn cứ vào điều kiện với số vốn ban đầu 300 triệu, chăn nuôi lợn khó thành công. Bởi lẽ với số vốn đó không đủ để đáp ứng điều kiện đầu vào của chăn nuôi lợn. Trong khi chi phí đầu tư chuồng trại là rất lớn.
    Hạch toán chi phí đầu tư chăn nuôi lợn: Với mức vào đàn tối thiểu là 100 con giống, theo tính toán sơ bộ từ các chuyên gia, tổng chi phí hơn 700 triệu đồng bao gồm chi phí tối thiểu đầu tư xây dựng năm đầu đã hết khoảng 280 triệu đồng, chi phí thức ăn chăn nuôi khoảng 440 triệu.

    2. Ý tưởng mô hình nông nghiệp công nghệ cao
    Với diện tích 5ha hoàn toàn có thểáp dụng. Nếu vị trí địa lý như gần trung tâm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản phẩm sạch và chất lượng thì sẽ là một yếu tố thuận lợi cho khâu giải quyết đầu ra.

    Đầu tư trồng dưa lưới hoặc dưa vàng công nghệ cao là một trong những mô hình hiệu quả trong thời gian gần đây. Theo ông Phạm Tiến Sinh – chủ mô hình trồng dưa lưới tại thị trấn Thanh Hà, Lạc Thủy, Hòa Bình chia sẻ: ”năng suất cây trồng của chúng tôi, cứ trên 1 ha đạt khoảng 3 tấn. Nếu theo giá thị trường hiện nay, dưa lưới có giá 50 – 55 nghìn/kg, chúng tôi đảm bảo được lãi tốt”.
    Hãy cùng hạch toán chi phí đầu tư trồng trọt công nghệ cao: với diện tích này có thể trồng được 3.000 cây dưa, tỉ lệ sống khoảng 80%, tổng chi phí năm đầu tiên khoảng 403 triệu. Giá bán dưa vàng hiện tại là 40 nghìn đ/kg, tổng thu về sau 84 ngày chăm sóc ước lượng tầm 240 triệu, lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 217 triệu đồng. Tuy vậy  để phù hợp với số vốn hiện có là 300 triệu, bà con có thể giảm bớt diện tích trồng dưa lưới để trồng thêm các loại cây khác.
    3. Nuôi gà
    Có thể chọn 2 hướng nuôi gà đẻ lấy trứng thương phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng hoặc nuôi gà thịt. Nếu gà thịt chỉ nên chọn giống gà bản địa, không nên chọn giống gà lai.

    Hạch toán chi phí nuôi gà thương phẩm: với số lượng đàn 1.500 con, tỉ lệ sống 95%: Theo các chuyên gia, năm đầu chi phí cho xây dựng cơ bản là 156 triệu đồng và chi phí chăn nuôi, lao động… là 153 triệu đồng. Tổng thu về sau khoảng 5 tháng chăn nuôi với giá gà như hiện tại sẽ là 220 triệu, trừ chi phí chăn nuôi, khấu trừ chi phí xây dựng, lãi khoảng 70 triệu đồng.
    Hạch toán chi phí nuôi gà đẻ trứng: với số lượng đàn 2.000 con gà Ai Cập  với tỉ lệ sống 95%, ở giai đoạn gà hậu bị, chi phí chăn nuôi là 215 triệu, chi phí xây dựng năm đầu là 155 triệu. Như vậy tổng chi phí cho giai đoạn đầu của mô hình này sẽ rơi vào khoảng 370 triệu đồng, khá gần với số vốn hiện có.
    Khi gà đến giai đoạn đẻ trứng và thu hoạch (thời gian khai thác trong khoảng 12 tháng), chi phí chăn nuôi cho giai đoạn này khoảng 643 triệu (gần 54 triệu/tháng) nhưng bà con có thể yên tâm vì lúc này chúng ta đã có tiền thu từ bán trứng để bù vào chi phí này.
    Tổng thu về từ mô hình này: giá gà loại thải là 60 nghìn đ/kg, giá trứng trung bình 2.100 đ/quả, thời gian thu trứng trong 12 tháng, số tiền có thể đạt hơn 1 tỷ đồng.
    Như vậy lợi nhuận sau 17 tháng chăn nuôi gà sinh sản sẽ được 190 triệu đồng, tính trung bình mỗi tháng sẽ đạt 15 triệu đồng.
    4. Chăn nuôi ngan
    Ngoài các phương án chăn nuôi trên, theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, bà con cũng có thể lựa chọn hướng đi chăn nuôi thủy cầm. Ngan cũng là loài vật nuôi tốt, hiện tại phương thức nuôi ngan cạn đã phổ biến, không cần phải có nước. Việc tiêu thụ ngan cũng khá thuận lợi.
    Chi phí xây dựng cơ bản là 200 triệu đồng, nếu nuôi với tổng đàn là 1.000 con thì chi phí chăn nuôi chỉ trong khoảng 150 triệu. Vậy chi phí đầu tư tổng cộng tầm 350 triệu đồng. Sau 84 ngày nuôi, với tỉ lệ sống 95% và giá bán ngan thương phẩm khoảng 60.000 đồng, số tiền thu về sẽ đạt 200 triệu. Sau khi trừ chi phí, lãi mà bà con có thể đạt là 50 triệu đồng.
    So sánh các đối tượng nuôi:
    Đối tượng
    Đầu tư ban đầu (triệu đồng)
    Số lãi/lứa (triệu đồng)
    Số lứa/năm (lứa)
    Gà thương phẩm
    309
    70
    2
    Gà đẻ
    370
    190
    1
    Ngan
    350
    50
    3

    Với ba phương án này, chuyên gia khuyên bà con nên chọn mô hình gà thương phẩm. Bởi vì, hiện nay chăn nuôi gà chất lượng cao (gà bản địa hoặc gà lai ¾ nội, ¼ ngoại) thị trường vẫn còn đang rất rộng mở, còn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoặc gà lai thì thị trường đang dần thu hẹp. Chính vì vậy, lựa chọn nuôi gà chất lượng cao sẽ đảm bảo được đầu ra lâu dài.
    Tuy vậy, bà con cần lưu ý :
    • Tính toán thời điểm thả nuôi: tính cả thời gian làm chuồng là 1 tháng, thời gian nuôi 5 tháng, thì phải tầm 6 tháng sau mới có gà xuất bán. Theo ý kiến nhiều chuyên gia và các thương lái, thị trường tiêu thụ gà dịp tết Nguyên đán khá lí tưởng. Ngoài các dịp lễ, thị trường thịt gà vẫn không đáng lo ngại, lượng thịt nhập khẩu bù lại hàng tháng vẫn đang ở mức cao, tăng 48% so với năm ngoái.
    •  Tính toán rủi ro: Trường hợp thị trường bão hòa, người tiêu dùng có xu hướng chọn gà có chất lượng tốt hơn, gà công nghiệp lúc đó rơi vào khoảng 40.000đ/kg trong khi gà nội địa chạm đáy khoảng 65.000 đ/kg. Theo chuyên gia Sơn người chăn nuôi gà nội địa vẫn có cơ hội lãi, bởi vì giá thành chăn nuôi gà bản địa nếu nuôi tốt 1kg gà rơi vào khoảng 50.000, hoặc cao hơn nữa cũng chỉ mức 55.000 đ/kg.
    Tóm lại, với số vốn ban đầu khoảng 300 triệu, làm giàu từ nông nghiệp hoàn toàn là điều có thể. Trên đây là một số mô hình để bà con tham khảo. Mọi thắc mắc cần tư vấn hãy gọi tổng đài 1533 hoặc truy cập inongdan.vn hoặc nongdan.com.vn để được chuyên gia trực tiếp giải đáp và hỗ trợ. Chúc bà con thành công!
    Theo chuyên gia Agritech
    Bài viết dựa trên tư liệu Khởi nghiệp.

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728